ĐẶT LỊCH

Suy tuyến thượng thận là gì?

Vỏ thượng thận chịu trách nhiệm sản xuất các hormone glucocorticoids, Mineralocorticoid và androgen cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể; sự thiếu hụt các hormone này dẫn đến suy thượng thận.

Suy tuyến thượng thận có thể được phân loại thành suy tuyến thượng thận nguyên phát, thứ phát và đệ tam cấp.

Suy thượng thận nguyên phát, còn gọi là bệnh Addison: là một tình trạng hiếm gặp khi tuyến thượng thận không hoạt động bình thường và không thể tạo ra đủ cortisol (một loại hormone chống “căng thẳng”). Bên cạnh đó, việc sản xuất aldosterone cũng thấp.

Suy thượng thận thứ cấp, là loại suy thượng thận phổ biến hơn nhiều: xảy ra khi tuyến yên, một tuyến nhỏ trong não, không sản xuất đủ hormone ACTH dẫn đến tuyến thượng thận không sản xuất cortisol. Việc sản xuất aldosterone là bình thường trong suy thượng thận thứ cấp.

Suy thượng thận đệ tam cấp là kết quả của việc giảm nồng độ hormone giải phóng corticotrophin (CRH) từ vùng dưới đồi, từ đó không đủ tín hiệu cho tuyến thượng thận sản xuất cortisol.

Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận
Có nhiều nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận:

Suy tuyến thượng thân nguyên phát: Nguyên nhân phổ biến nhất của suy tuyến thượng thân nguyên phát là bệnh tự miễn, nghĩa là hệ thống phòng thủ của cơ thể tấn công và phá hủy các mô của chính cơ thể. Khi tuyến thượng thận bị tổn thương sẽ mất đi chức năng sản xuất hormone. Các nguyên nhân khác của suy tuyến thượng thân nguyên phát bao gồm xuất huyết ở các tuyến thượng thận, nhiễm trùng, bệnh di truyền và phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận 2 bên.

Suy tuyến thượng thân thứ phát: Một số nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận thứ phát và đệ tam cấp có thể chỉ là tạm thời, chẳng hạn như dùng một số loại thuốc steroid như prednisone, hydrocortisone hoặc dexamethasone điều trị bệnh trong thời gian dài (chẳng hạn người bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc hen suyễn).. Các nguyên nhân khác có thể là vĩnh viễn, chẳng hạn như khối u tuyến yên, phẫu thuật tuyến yên hoặc tổn thương do xạ trị đối với tuyến yên, vùng dưới đồi.

Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
Có. Biến chứng nghiêm trọng nhất của suy thượng thận được gọi là cơn suy tuyến thượng thận cấp. Nếu không được điều trị ngay, cơn suy thượng thận có thể gây tử vong. Cơ thể cần nhiều cortisol hơn bình thường trong thời gian căng thẳng về thể chất như bệnh tật, chấn thương nghiêm trọng hoặc phẫu thuật. Việc thiếu cortisol nghiêm trọng vào những thời điểm này có thể gây ra huyết áp thấp, đường huyết thấp, natri máu thấp và kali máu cao đe dọa tính mạng.

Vì vậy, người bệnh cần phát hiện suy tuyến thượng thận sớm để có phương pháp điều trị kịp thời giúp người bệnh nhân sống khỏe mạnh hơn. Nếu được điều trị, hầu hết những người bị suy tuyến thượng thận đều có thể có cuộc sống năng động, bình thường.

Suy thượng thận phổ biến như thế nào?
Bệnh Addison rất hiếm. Ở các nước phát triển, bệnh ảnh hưởng đến khoảng 100 đến 140 trên tổng số 1 triệu người.

Suy tuyến thượng thận thứ phát phổ biến hơn, ảnh hưởng đến 150 đến 280 người trên một triệu người. Suy tuyến thượng thận thứ phát và đệ tam cấp thường được gộp lại với nhau, do đó không có số liệu về suy tuyến thượng thận đệ tam cấp.

Ai có nhiều khả năng bị suy thượng thận?
Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh Addison nhiều hơn nam giới. Người trong độ tuổi từ 30 đến 50 cũng có nhiều khả năng bị suy thượng thận. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em.

Suy thượng thận thứ phát xảy ra ở những người mắc một số bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến yên. Những người dùng thuốc glucocorticoid, chẳng hạn như prednisone, dexamethasone trong một thời gian dài và sau đó dừng lại có nhiều khả năng bị suy thượng thận đệ tam cấp.

Điều trị suy tuyến thượng thận hiệu quả
Mục tiêu của việc điều trị là đảm bảo lượng hormone thích hợp hàng ngày bằng việc sử dụng hormone thay thế. Người bệnh sẽ dùng glucocorticoid để thay thế cortisol mà cơ thể không còn sản xuất đủ (thuốc thường dùng nhất là hydrocortisone, đôi khi có thể sử dụng prednisone). Người bệnh cũng có thể cần bổ sung fludrocortisone nếu cơ thể không tạo ra đủ aldosterone (hormone điều hòa huyết áp).

Tùy tình trạng bệnh của mỗi người khác nhau mà có lượng thuốc khác nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm glucocorticoid nếu tình trạng của người bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc cần phẫu thuật. Hiểu về căn bệnh cũng như biết thời điểm và cách điều chỉnh thuốc có thể giúp người bệnh sống lâu và khỏe mạnh hơn.

Cách phòng ngừa suy tuyến thượng thận
Một số cách phòng ngừa suy tuyến thượng thận bao gồm:

Không nên tự ý dùng thuốc có chứa corticoid: nhiều người thường tùy ý dùng corticoid trong điều trị bệnh, đặc biệt bệnh xương khớp nên dễ gây suy tuyến thượng thận thứ phát. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc có chứa corticoid điều trị bệnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nếu người bệnh nhân phải dùng corticoid lâu dài nên đi tái khám thường xuyên để bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp trong từng giai đoạn bệnh.

Với người bệnh suy tuyến thượng thận, cơn suy tuyến thượng thận cấp xảy ra rất nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, người bệnh nên sử dụng thuốc điều trị suốt đời, luôn mang theo thuốc dự trữ để tránh nguy hiểm đến sức khỏe. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc phù hợp cho các trường hợp người bệnh suy thượng thận bị stress khi đang điều trị, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng nặng…

Suy tuyến thượng thận được phòng tránh hoặc ngăn nguy cơ bệnh bằng cách duy trì lối sống khoa học, có chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp để tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, người bệnh có bệnh về thận nên điều trị kịp thời dứt điểm để tránh biến chứng gây suy tuyến thượng thận ảnh hưởng đến sức khỏe.

______💓 💓 💓 ____________
𝐓𝐑𝐔𝐍𝐆 𝐓𝐀̂𝐌 𝐗𝐄́𝐓 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̣̂𝐌 𝐘 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐌𝐄𝐃𝐈𝐋𝐀𝐁
💕 Hiểu điều sức khỏe muốn nói 💕
⏱ Thời gian làm việc :
Từ thứ 2- Chủ nhật : 6a.m- 20p.m
☎️ Hotline: 0274 222 0039 – 0916.886.291
Địa chỉ : 139, Phạm Ngọc Thạch, P. Hiệp Thành, Tp Thủ Dầu Một, Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0916 886 291